Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán, người có bệnh được phát hiện nhiều hơn. Trên thế giới có khoảng 60% nam giới ở tuổi 60 bị tăng sinh lành tuyến tiền liệt, tần suất bệnh tăng dần theo tuổi nên số người mắc bệnh ngày càng cao. Bệnh gây ra các triệu chứng rối loạn đi tiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Phì đại tiền liệt tuyến (BHP – Benign prostatic hyperplasia) có các tên gọi khác như u xơ tiền liệt tuyến, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, phì đại nhiếp tuyến.
Tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ kích thước khoảng 10-20 gr chỉ có ở nam giới, nằm sát dưới cơ bàng quang bao quanh lấy đoạn niệu đạo chỗ nối với cổ bàng quang. Tiền liệt tuyến có chức năng chính là sản xuất ra chất dịch giúp cho quá trình sinh sản của nam giới, ngoài ra tiền liệt tuyến còn giữ độc tố, vi khuẩn, hóa chất không để đi vào đường tiết niệu.
Phì đại tiền liệt tuyến là sự gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt ở độ tuổi trung niên và già, chèn ép vào niệu đạo và bàng quang gây ra rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu ngập ngừng, tiểu không hết bãi và các biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, suy giảm chức năng thận,… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Phì đại tiền liệt tuyến bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 30 tuy nhiên sau độ tuổi 50 mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Một số ít xuất hiện ở người trẻ tuổi. Bệnh ngày càng gia tăng theo độ tuổi, hơn 50% nam giới trên 50 tuổi mắc bệnh này.
Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lành tính có thể chữa khỏi hoàn toàn không dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên ung thư tiền liệt tuyến có thể phát hiện đồng thời cùng với phì đại tiền liệt tuyến.
Nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt
Những nguyên gây phì đại tuyến tiền liệt hiện nay chưa được xác định rõ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, một số nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt có thể là do:
Rối loạn hormone trong cơ thể
Trong suốt cuộc đời, cơ thể nam giới sản xuất testosterone. Ngoài ra họ còn có một số nội tiết tố nam và một lượng nhỏ estrogen (một nội tiết tố nữ). Khi nam giới lớn tuổi, lượng testosterone của họ giảm đồng thời lượng estrogen cao hơn.
Các nghiên cứu khoa học đã gợi ý rằng nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt có thể xảy ra do tỷ lệ estrogen trong tuyến tiền liệt cao hơn. Điều này làm tăng hoạt động của các chất dẫn đến thúc đẩy sự phát triển của tế bào tuyến tiền liệt.
Một giả thuyết khác tập trung vào dihydrotestosterone (DHT). Đây là một loại hormone nam có vai trò trong sự phát triển và tăng trưởng của tuyến tiền liệt. Các nhà khoa học đã ghi nhận rằng những người đàn ông không sản xuất DHT không bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
Rối loạn hormone có thể là nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt rõ rệt nhất trong tất cả các nguyên nhân.
Di truyền từ gia đình
Nếu trong gia đình bạn đã có người thân mắc các bệnh về tuyến tiền liệt hoặc thận, hãy thận trọng. Vì yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt. Nguyên nhân này khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hoặc phát triển bệnh nhanh hơn người bình thường. Bạn hãy chú ý đến lối sống lành mạnh để giảm khả năng mắc bệnh cũng như làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Thói quen đi vệ sinh
Một số người có thói quen nhịn tiểu. Điều này dẫn đến giãn bàng quang và kéo căng các cơ vòng bên ngoài. Về lâu dài, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chức năng giữ nước của các cơ bàng quang, khiến nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài. Đây cũng là nguyên nhân mắc các bệnh ở tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu và các bệnh lý tại thận khác.
Lối sống thiếu khoa học
Uống ít nước, thường xuyên sử dụng nước có ga và ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ là thói quen ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Đặc biệt, điều này dẫn đến rối loạn hormone và chất điện giải trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tuyến tiền liệt không thể phát triển bình thường.
Môi trường sống ô nhiễm
Chất lượng sống không tốt, mức ô nhiễm cao có thể can thiệp vào hoạt động của hormone. Đồng thời điều này có thể gây ra rối loạn nội tiết tố. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiếp xúc quá lâu với không khí bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt.
Dấu hiệu phì đại tuyến tiền liệt
- Tiểu khó: Phải cố rặn để đái, tia đái yếu đi, không đái xa được. Đôi khi đã đái xong lại vẫn còn vài giọt nước tiểu rỏ ra làm ướt quần lót. Nặng hơn là tình trạng thường xuyên rỉ nước tiểu
- Tiểu nhiều lần: Lúc đầu là về đêm phải tỉnh dậy đi đái hơn 2 lần, thường là lúc nửa đêm về sáng. Sau đó là cả ngày. Liên tục cách 2-3 giờ phải tiểu tiện một lần được coi là dấu hiệu bệnh lý.
- Bí tiểu: Đôi khi phải đến bệnh viện cấp cứu do bí đái đột ngột, bệnh nhân đã cố gắng rặn mà không thể đái được. Phần bụng dưới căng lên rất đau tức, vật vã khó chịu.
- Biểu hiện khác: Đột nhiên buồn đi tiểu xong không thể nhịn được trong vài phút; sau khi đái không thấy thoải mái mà vẫn còn cảm giác còn muốn tiểu; cũng có thể có biểu hiện đái máu, nhiễm trùng nước tiểu.
Tuy nhiên do các biểu hiện trên thường tiến triển từ từ nên bệnh nhân có thể quen dần và khó nhận ra. Nhiều bệnh nhân đến khám muộn khi khối u đã quá to và có các biến chứng về bàng quang, suy thận,… khiến cho việc điều trị trở nên hết sức phức tạp .
Các biểu hiện rối loạn tiểu tiện thường nặng lên rõ rệt sau những lần đi xa, nhất là đi bằng xe đạp, xe máy.
Cần biết rằng các triệu chứng của bệnh không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với kích thước khối u. Có những trường hợp, chỉ với các triệu chứng rất nhẹ, kín đáo xong khối u đã rất to.
Do vậy, với những người đàn ông bắt đầu ở tuổi 50 khi có những biểu hiện khác thường về tiểu tiện cần được đến khám chuyên khoa tiết niệu.
Chỉ đơn thuần qua hỏi bệnh và khám bằng tay, bác sĩ của bạn đã có đủ cơ sở để hướng tới bệnh. Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh sẽ được xác định qua siêu âm và một vài xét nghiệm.
Tác hại phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một trong những cơ quan sinh dục của nam giới nên các bệnh của tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tình dục và ngược lại. Nghiên cứu cho thấy, nam giới trong thời gian ngắn mà sinh hoạt tình dục quá nhiều lần thì tỷ lệ phát sinh viêm tuyến tiền liệt cấp tính chiếm 89,7%; khống chế xuất tinh, xuất tinh ra ngoài, khi giao hợp bị gián đoạn, thói quen thủ dâm...đều là nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt.
Bệnh lý tuyến tiền liệt có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh dục: viêm tuyến tiền liệt và viêm túi tinh thường song hành dẫn đến giảm ham muốn tình dục vì tuyến tiền liệt, túi tinh và chức năng sinh lý liên quan mật thiết với nhau cùng đổ vào niệu đạo.
Ngoài ra, lao và ung thư tuyến tiền liệt đều gây giảm sút tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, không xuất tinh và một số cản trở về chức năng tình dục. Từ lâu, các nhà y học đã biết rõ, tuyến tiền liệt phì đại liên quan chặt chẽ tới nội tiết tố nam testosterol. Hoạt động tình dục quá nhiều, công năng tinh hoàn bất thường là các yếu tố dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt.
Cách chữa phì đại tuyến tiền liệt
Sử dụng thuốc
Tùy vào kích thước của tuyến tiền liệt, độ tuổi, sức khỏe và mức độ khó chịu do triệu chứng gây ra, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Các loại thuốc chữa trị phì đại tiền liệt tuyến gồm:
- Nhóm ức chế alpha: Loại thuốc thường dùng là alfuzosin và tamsulosin. Thuốc giúp làm giãn những cơ trơn của tiền liệt tuyến và bàng quang.
- Chất ức chế phosphodiesterase-5: Loại thuốc thường sử dụng là tadalafil. Nhóm thuốc này được sử dụng chủ yếu để điều trị rối loạn cương dương. Tuy nhiên, gần đây, thuốc cũng được dùng để giảm những triệu chứng của đường tiết niệu. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách làm giãn cơ trơn trong đường tiểu dưới.
- Chất ức chế 5-alpha reductase: Thuốc thường được sử dụng gồm dutasteride và finasteride. Nhóm thuốc này giúp hạn chế sự sản xuất DHT. Đây là chất tích tụ trong tuyến tiền liệt khi tuyến phì đại.
- Kết hợp thuốc: Việc phối hợp nhiều loại thuốc mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với việc chỉ dùng một loại thuốc. Người bệnh có thể được chỉ sử dụng kết hợp những loại thuốc finasteride và doxazosin, dutasteride và tamsulosin, nhóm ức chế alpha và antimuscarinic.
Phẫu thuật mở
Trong phẫu thuật mở, người bệnh mắc u xơ tuyến tiền liệt có trọng lượng lớn hơn 70g, sỏi hay túi thừa bàng quang sẽ được chỉ định loại bỏ thông qua vết mổ trên cơ thể. Những biến chứng có có thể xuất hiện khi áp dụng phương pháp điều trị này là nhiễm khuẩn, chảy máu, hẹp cổ bàng quang, tiểu không tự chủ, phóng tinh ngược dòng.
Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường nội soi (TURP)
Đây là phương pháp phẫu thuật tuyến tiền liệt được áp dụng cho bệnh nhân đang ở giai đoạn 2, u nặng khoảng 60 – 70g. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, vết thương nhanh lành, người bệnh có thể sớm đi tiểu theo đường tự nhiên. Một số biến chứng của TURP là thương tổn cơ thắt ngoài dẫn tới tiểu không tự chủ, chảy máu, áp-xe bàng quang, hẹp niệu đạo, rối loạn cương dương…
Phẫu thuật rạch tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo (TUIP)
Phẫu thuật này được chỉ định khi người bệnh có tuyến tiền liệt nhỏ hoặc có vấn đề sức khỏe không thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật khác. Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi đưa vào niệu đạo, cắt 1 hoặc 2 đường rãnh nhỏ tại cổ bàng quang, giúp nước tiểu lưu thông trong niệu đạo dễ dàng hơn. Các biến chứng của phương pháp phẫu thuật này là són tiểu, phóng tinh ngược…
Tiêu hủy u xơ bằng kim qua đường niệu đạo (TUNA)
Trong phương pháp phẫu thuật này, năng lượng tần số sóng vô tuyến được dùng để đốt nóng, phá hủy những mô tuyến tiền liệt dư thừa ngăn dòng nước tiểu. Phương pháp phẫu thuật TUNA thường không cần gây mê toàn thân, có thể áp dụng cho người bệnh ngoại trú.
Cắt u xơ tiền liệt tuyến bằng laser
Tia laser với năng lượng cao được dùng trong phẫu thuật để phá hủy những mô tuyến tiền liệt phát triển bất thường. Liệu pháp laser giúp cải thiện những triệu chứng bệnh phì đại tuyến tiền liệt ngay lập tức, ít có tác dụng phụ hơn so với những phương pháp khác. Cắt u xơ tiền liệt tuyến bằng laser thường được chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chống đông máu.
Lưu ý sau khi điều trị bệnh
Điều trị bằng thuốc
Người bệnh cần kiểm soát tốt sức khỏe sau khi điều trị phì đại tiền liệt tuyến bằng thuốc. Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Hạn chế sử dụng thuốc thông mũi hay kháng histamin
- Hạn chế sử dụng thức uống vào buổi tối
- Hạn chế caffeine, rượu
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
- Tránh nhịn tiểu
- Đi tiểu đều đặn
- Thường xuyên tập thể dục
Điều trị phẫu thuật
Sau phẫu thuật, người bệnh cần có một chế độ chăm sóc phù hợp nhằm hỗ trợ cơ thể phục hồi tốt nhất:
- Lưu ý giữ vệ sinh tốt nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và sinh hoạt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi; hạn chế các món cay nóng, nhiều chất béo, nội tạng động vật, các thức uống chứa nhiều chất kích thích…
- Tránh đi xa bằng xe đạp, xe máy.
- Trong khoảng 3 tháng đầu sau phẫu thuật, người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục.
- Sau 3 tháng, người bệnh cần đi tái khám. Nếu không có vấn đề gì, bạn có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.